Nhiều bậc phụ huynh sai lầm khi áp đặt con mình phải hiểu những điều người lớn hiểu và phải làm được những gì người lớn làm.
Thực tế, trẻ con không phải là người lớn nên chúng có những biểu hiện hoàn toàn khác và nhiệm vụ của bố mẹ là phải hiểu và tạo mọi điều kiện để giúp đỡ con trưởng thành.
Những biểu hiện trẻ con không phải người lớn
Con trẻ dễ phân tán tâm trí. Những cái nhỏ nhoi, nó trố mắt nhìn chẳng hạn xe hơi, tàu lửa, con chim, con chó, nhiều lần vì những quan tâm nhỏ bé ấy, cha mẹ sinh bực tức với con cái, mắng rầy om sòm. Vì cha mẹ cho những chuyển động ấy là tầm thường, xảy ra hàng ngày, không quan tâm đến, chỉ lưu ý làm ăn cho phát đạt. Cha mẹ lúc nào cũng chật vật lo lắng, còn con trẻ luôn luôn vô tư, coi những chuyển động nhỏ nhoi xung quanh là quan trọng, thích thú.
Đối tượng thường bị nhận xét trái ngược nơi con trẻ. Trẻ hay nhìn tổng quát mà lãng quên thành phần chi tiết. Trái lại, đôi khi chú ý một vài chi tiết mà bỏ cả toàn thể. Một đặc điểm nữa là con trẻ chăm chú đến hiện tại, và thật ra nó sống trong hiện tại, vì quá khứ ngắn ngủi trong đời nó, tưởng lại xa xôi đối với nó. Vì vậy nó không chú trọng gì đến quá khứ và tương lai. Điều thích thú cho nó là những màu sắc lạ, những kiểu cách mới, người ta thường thấy con trẻ hay thay đổi và thích mới, chán cũ dễ dàng.
Nghiên cứu trí nhớ của trẻ thấy chúng thường nắm bắt rất nhanh, nhất là con trẻ có khiếu đôi chút, có khi nhớ dễ dàng, nhanh chóng hơn người lớn. Nhưng nó không hiểu được nhiều và không phải lúc nào cũng hiểu, nó kêu, nó đọc như “con vẹt”, dẫu điều gì có tiếng quan trọng, nó cũng bỏ đi, không do dự hay áy náy.
Đối với óc phán đoán của trẻ con chúng ta thấy nó rất thẳng thắn, và không bao giờ quanh co e ngại. Nó nghĩ thế nào, nói thế ấy. Nó hay ghen trong vấn đề nhỏ nhoi, thí dụ cha mẹ không phân chia đồng đều một gói kẹo, đồ chơi, đó là nguyên cớ cho nó dỗi, nó hờn, nó kêu khóc ầm ĩ. Trường hợp bị phạt, đứa lớn không hiểu mình chịu đòn nhiều hơn đứa bé dù hai đứa cũng đã làm điều lầm lỗi như nhau, cùng hành động theo chiều hướng như nhau.
Hành động của trẻ con hoàn toàn theo cảm tính, theo giác quan. Nó làm vì vui, vì giải trí, trái lại, nó hay sợ sệt, hay đòi hỏi. Nó nghĩ qua loa về lợi ích công việc, lại hay so sánh hơn thiệt trước lợi ích người lớn, cũng như những nhận xét của trẻ không giống nhận xét của người lớn, nó ưa những điều người lớn không ưa, nó chán những cái mà người lớn thích thú.
Những điều bố mẹ nên làm đối với con
Với nhận xét trên, bạn nên biết cách đối xử với trẻ, đừng bao giờ vô tình, coi trẻ như người lớn. Chúng ta sẽ giúp trẻ lớn lên và vui tươi trong mọi lúc, làm cho nó thích thú bên cạnh chúng ta.Chúng ta không nên đòi trẻ phải gắng sức quá mức. Trên đường đời, con người sau này phải vất vả, phải va chạm, vì thế, chúng ta tập cho con trẻ chịu khó và quen mọi khó khăn.
Nếu xử với trẻ như xử với người lớn, chúng ta vô tình gieo vào lòng nó tất cả sự nặng nề chán ngán. Nếu nhận định thật đúng về con trẻ, chúng ta thành công trong phận sự làm cha mẹ, làm thầy dạy. Những nỗ lực giáo dục của chúng ta sẽ đem lại hữu ích rất lớn.
Không nên phán đoán hành vi của trẻ như hành vi người lớn. Không nên nghiêm khắc mà cư xử, luôn luôn phải làm thinh, phải ôn tồn để sửa đổi lần lần cho đến lúc toàn thiện, toàn mỹ.
Với những chia sẻ vừa rồi, chúng tôi hy vọng bạn sẽ hiểu hơn về sự phát triển của trẻ để có được những biện pháp giáo dục phù hợp. Đồng thời, bạn cũng đừng quên tìm hiểu thêm một số cách chăm sóc sức khoẻ cho trẻ tại đây nhé!