Trẻ con và người lớn hoàn toàn khác xa nhau, không chỉ về nhận thức, hành động mà còn có rất nhiều sự khác biệt khác.
Nhiều phụ huynh vô tình đối xử với trẻ như đối xử với người lớn, và đòi con trẻ ăn ở như kiểu cách người lớn, bắt con trẻ hữu lý trong hành vi cử chỉ, phải lặng lẽ nghiêm trang, phải đàng hoàng chính đáng trong cách ăn mặc. Quan niệm như vậy, chúng ta dạy dỗ và uốn nắn con trẻ không thể nào thành công, vì trái khuynh hướng tâm lý nhẹ nhàng của trẻ và không vừa sức của tuổi thơ.
Đừng lầm tưởng để đi sai hướng giáo dục
Đừng lầm tưởng rằng tập cho trẻ quen nghiêm trang từ nhỏ là cách thức giúp chúng mau chóng đi vào cuộc đời sớm làm nên người lớn, người giá trị?
Thật sự, giáo dục kiểu ấy là hoàn toàn thất bại. Chúng ta nên nhận định rằng con trẻ không phải người lớn. Nó cần phải cử động liên tiếp và thích thú cử động, hầu như con trẻ sinh ra để cử động vùng vẫy. Với tính tình hoạt động luôn tay luôn chân, con trẻ cần có gì trong mình, cởi mở vui tươi, nó đón tiếp tất cả những cái làm cho thân thể cường tráng, mau lớn, khoái trá.
Con trẻ hành động liên tiếp, ít suy đi tính lại, không hay đề phòng trước sau. Lẽ dĩ nhiên, nó không dẻo dai bằng người lớn, chóng mệt, chóng chán. Chúng ta vì vậy ý tứ đừng bắt trẻ mang vác hay đội vật gì quá nặng. Nhiều nơi ở thôn quê, cha mẹ bắt con cái còn ít tuổi, còn yếu sức, phải đội trên đầu những thúng gạo lớn, dễ làm cho con trẻ hóa ngu đần, suy nhược trí tuệ và nguy hại sức vóc. Nhà trường có kinh nghiệm giáo dục, thường đọ sức con trẻ để trao trách nhiệm, không bao giờ bắt trẻ chạy đua những khoảng quá dài, không bao giờ đòi trẻ cộng tác quá mệt mỏi, lúc nào cũng giúp cho trẻ dồi dào sức khỏe làm đà cho tinh thần tiến lên.
Nên phân định rõ sức khoẻ ở từng độ tuổi
Chúng ta cần phân định sức con trẻ và sức người lớn khác nhau, sẽ quan niệm sử dụng từng thứ tuổi, theo trình độ và khuynh hướng của trẻ. Trong thân xác con trẻ, chân tay; tứ chi, ngũ quan, hòa hợp làm việc. Trong thân xác còn có trái tim để cảm hóa yêu đương, có lý trí để nhận thức suy luận, có ý chí để hoài bão và nhất là có một linh hồn bất diệt.
Con trẻ dù là ở độ tuổi nào, thậm chí là trẻ dưới 1 tuổi cũng có nhân vị như mọi người, cần được chú trọng ngay từ buổi đầu để hoàn thiện lần lần. Đừng bao giờ có thái độ khinh thị con trẻ, cho chúng là đồ bỏ đi, không đáng kể. Họ thường nói ra ngoài miệng : “Trẻ nhãi”, “lũ con nít”. Chúng ta nên nhớ lũ con nít ngày hôm nay không phải con nít trong mấy chục năm sau. Nếu lúc này, giáo dục con nít cho đàng hoàng, có hệ thống hợp lý, thì mấy chục năm sau, chúng sẽ trở thành những ông nọ bà kia, hữu ích cho gia đình xã hội.
Sự khác nhau về thân thể và tâm hồn
Thân thể con trẻ khác người lớn. Nhiều bộ phận của nó chưa bắt đầu làm việc, các bộ xương chưa phát triển đầy đủ, các bắp thịt còn nảy nở nhiều. Chúng ta xem tổng quát một con trẻ, thì đầu to tướng đối sánh với thân thể còn thân thể con trẻ không có cân xứng bằng thân thể người lớn.
Về tâm hồn, con trẻ cũng khác người lớn. Tâm trí non nớt của trẻ chóng mệt mỏi, không nhìn trước, xem sau, không phán đoán minh bạch, dễ bị chi phối bởi ngoại cảnh và tình cảm.
Với sự khác biệt này, chúng tôi hy vọng đây sẽ là những thông tin hữu ích dành cho các bậc phụ huynh.