Ốm nghén là triệu chứng thường xảy ra ở giai đoạn đầu của thời kỳ mang thai, khiến cho mẹ bầu mệt mỏi, chán ăn. Có một số phương pháp có thể trị được chứng ốm nghén này.
Hầu hết 80% phụ nữ khi mang thai đều trải qua cảm giác ốm nghén ở giai đoạn tam cá nguyệt đầu tiên, đây là dấu hiệu hết sức bình thường. Ốm nghén gây cảm giác khó chịu ở bụng, buồn nôn, khiến cho mẹ bầu trở nên mệt mỏi, chán ăn, xanh xao. Tùy vào thể trạng của mỗi người mà chứng ốm nghén có nặng hay không.
Dưới đây sẽ là một số bí kíp giúp trị được chứng ốm nghén này một cách hiệu quả.
Phương pháp chữa ốm nghén khi mang thai cho bà bầu
1. Sử dụng gừng
Gừng được xem là một liều thuốc hiệu quả giúp kiểm soát và làm giảm triệu chứng ốm nghén cho phụ nữ ở 3 tháng đầu mang thai. Các chất có trong gừng sẽ làm dịu, củng cố hệ tiêu hóa và giảm tiết axit trong dạ dày. Mùi của gừng cũng có thể lấn ác được các mùi khó chịu khác. Bạn có thể sử dụng gừng tươi hoặc uống trà gừng để giảm các triệu chứng buồn nôn. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể xay nhuyễn pha với mật ong, hoặc kết hợp chế biến các món ăn để đa dạng khẩu vị và giúp trị ốm nghén được hiệu quả.
2. Sử dụng chanh
Ngoài gừng, chanh cũng được xem là dược phẩm chữa nôn do ốm nghén một cách hiệu quả. Vitamin C trong chanh rất có lợi cho sức khỏe của mẹ bầu và bé. Chanh cũng là thực phẩm rất dễ chế biến. Bạn có thể pha chanh với mật ong uống vào mỗi buổi sáng hoặc ngửi vỏ chanh để ngăn ngừa các mùi gây khó chịu.
3. Uống nước thường xuyên
Nước là một phương thức rất đơn giản mà lại an toàn. Trong thời kì mang thai việc uống nhiều nước là điều rất cần thiết, nhất là đối với phụ nữ đang ốm nghén. Việc cung cấp nước thường xuyên cho cơ thể sẽ giúp cho cơ thể mẹ bầu được thanh lọc và tràn đầy sức sống, đảm bảo cho việc phát triển thai nhi trong bụng mẹ.
Tuy nhiên cũng cần uống nước đúng cách để giảm triệu chứng ốm nghén được hiệu quả hơn. Bạn nên uống nước thường xuyên trong ngày chứ không nên uống 1 lúc nhiều nước. Ngoài ra bạn cũng nên đặt một cốc nước ở ngay đầu giường để uống ngay khi vừa mới thức dậy vào buổi sáng, điều này sẽ giúp các mẹ bầu được thanh lọc cơ thể, bắt đầu một ngày hiệu quả hơn.
4. Dành thời gian nghỉ ngơi
Các mẹ bầu dù có đi làm hay bận rộn cũng cần dành ra cho mình thời gian để mình thư giãn, nghỉ ngơi. Nhất là thời gian nghỉ trưa. Thời gian nghỉ trưa tuy ngắn nhưng lại giúp mẹ bầu giảm được sự căng thẳng mệt mỏi và giúp bổ sung năng lượng vào buổi chiều. Dù chỉ nghỉ ngơi được vài tiếng những các mẹ cũng nên chú ý đến tư thế nằm. Tốt nhất bạn nên nằm trên giường một cách thoải mái, kê gối cao hơn so với phần đầu để hạn chế việc sưng, phù chân do máu không lưu thông. Nằm nghiêng về bên trái và lấy gối nhỏ đỡ bụng bầu cũng là một tư thế nằm ngủ tốt mà các chuyên gia khuyên nên thực hiện.
Buổi tối các mẹ nên ngủ sớm và tránh những suy nghĩ tiêu cực trong đầu để cơ thể được thư giãn, thoải mái, có được một giấc ngủ sâu và hiệu quả.
5. Sử dụng vitamin B6
Vitamin B6 có khả năng làm cân bằng hệ tiêu hóa, rất tốt cho việc chữa trị ốm nghén. Loại vitamin này có nhiều trong bơ, chuối, các loại hạt. Ngoài ra các mẹ bầu cũng có thể uống vitamin này dưới dạng viên nén , tuy nhiên nên sử dụng theo sự chỉ dẫn của bác sĩ.
Khi mẹ bầu bị ốm nghén nặng
Những phương pháp trên giúp trị ốm nghén rất hiệu quả. Tuy nhiên trong một vài trường hợp, một số phụ nữ có triệu chứng ốm nặng hơn, những phương pháp trên cũng không đem đến hiệu quả cao, khiến cho mẹ bầu mệt mỏi, không ăn uống được gì, dễ gây nguy hiểm cho cả mẹ và con. Lúc này các mẹ nên đi đến gặp bác sĩ và điều trị để tránh các trường hợp nguy hiểm xảy ra, ảnh hưởng đến cả mẹ và bé.
Một số phụ nữ bị nghén không ăn được thường bổ sung bằng sữa bầu. Nhưng nhiều người lại băn khoăn không biết có nên uống sữa bầu hay không vì mùi tanh trong sữa bột có thể làm các mẹ dị ứng sữa và gây nghén nặng hơn. Do đó, để hạn chế được tình trạng nghén và bổ sung chất dinh dưỡng hiệu quả thì các bà mẹ nên chọn những loại sữa dễ uống có hương vị hoặc sử dụng những chế phẩm từ sữa như bánh quy cũng có thể giảm ợ chua, buồn nôn rất hiệu quả.