Hiện tượng bị ọc sữa ở trẻ sơ sinh thường không nguy hiểm, nhưng trong một số trường hợp, nó báo trước một số vấn đề đang xảy ra trong cơ thể của bé mà cần sự can thiệp ngay lập tức.
Nếu con của bạn bị ọc sữa hay nôn trớ và kèm theo một số dấu hiệu sau, đó có thể là tình huống nguy hiểm mà bố mẹ cần đưa con đến bệnh viện ngay!
Một số triệu chứng báo hiệu sự nguy hiểm
Bé bị đau quằn quại, cơn đau tập trung quanh rốn và từ từ di chuyển xuống phía dưới bên phải bụng. Rất có thể con đã bị viêm ruột thừa.
Đứa trẻ nôn trớ có kèm theo mật (chất nhầy xanh) hoặc có máu (thường là màu cà phê sẫm). Trường hợp này bé có thể đã bị tắc ruột. Nếu thấy con có triệu chứng trên, bố mẹ nên mang theo phần nôn này khi đưa con đi khám để bác sĩ có thể kiểm tra kĩ hơn.
Con bị sưng tấy, chướng bụng và đau. Đây là một dấu hiệu của chứng khó tiêu dẫn đến sự tích tụ khí và thức ăn, hoặc cũng có thể là do tắc nghẽn ruột và các vấn đề khác liên quan đến hệ tiêu hóa.
Nôn mửa liên tục sau khi ngã hoặc có va chạm gây thương tích ở đầu. Đây có thể là nguyên nhân gây ra tổn thương não nghiêm trọng và cần được chụp PET/CT để chẩn đoán ngay.
Ọc sữa kèm theo bị đau cổ, khó xoay đầu hoặc đau khi xoay đầu. Đây là những dấu hiệu của viêm màng não.
Nôn trớ kéo dài hơn 24 giờ liên tục. Mặc dù nôn trớ hay ọc sữa không phải là một triệu chứng nghiêm trọng, thậm chí còn rất thường gặp ở trẻ em, nhưng vì lý do an toàn, tốt nhất là nên tìm sự trợ giúp y tế.
Con của bạn có dấu hiệu mất nước bao gồm: tiểu ít, môi khô, khóc nhưng không có nước mắt, hôn mê và nước tiểu có màu vàng đậm.
Nôn có kèm theo máu. Có một số trường hợp trẻ em cũng có thể nôn ra máu khi trước đó bé bị chảy máu cam hoặc chảy máu khoang miệng. Tuy nhiên, nếu tình trạng này kéo dài mà không thuyên giảm, hoặc máu có màu cà phê tối như đã nói ở trên, hãy lập tức mang con bạn đến gặp bác sĩ.
Trẻ liên tục nôn sữa và cảm thấy đau ở vùng bụng trên bên, nghiêng về bên phải, mệt mỏi và da bị vàng. Đây có thể là những dấu hiệu cho thấy trẻ bị viêm gan.
Bạn có thể làm gì?
Hãy giữ cho con không bị mất nước!
Mất nước là một vấn đề nghiêm trọng đối với trẻ sơ sinh, vì mất nước đồng nghĩa với việc con thiếu hụt đi các chất dinh dưỡng có trong sữa.
Nếu trẻ liên tục ói mửa (cách mỗi 5 đến 10 phút), đừng ép con ăn hoặc uống bất cứ thứ gì. Chờ sau khi bé đã trở lại bình thường (30 phút mà không bị ọc sữa nữa), khi đó mẹ hãy cho bé uống một ít nước lọc hoặc nước canh. Mỗi 10 phút 1 muỗng cà phê (5 ml) và thực hiện liên tục trong 1 giờ.
Tiếp theo, nếu trẻ dung nạp tốt và tình trạng nôn trớ không xuất hiện nữa, hãy tăng lên 2 muỗng cà phê mỗi 5 phút.
Đặc biệt, đừng bao giờ cho trẻ uống nước trái cây hoặc nước có ga vì việc này có thể khiến cho tình hình trở nên nghiêm trọng hơn.
Cho bé ăn như thế nào sau khi nôn trớ?
Sau khi các triệu chứng trên đã được giải quyết hoàn toàn và đã trẻ có dấu hiệu thèm ăn, đã đến lúc bạn nên bắt đầu cho con bú lại – đối với trẻ sơ sinh hoặc ăn lại bình thường – đối với trẻ trên 3 tuổi.
Hãy bắt đầu với các loại thực phẩm lành mạnh, dễ tiêu hóa bao gồm cháo, thịt nạc, sữa chua, trái cây và rau củ. Đồng thời tránh các thực phẩm nhiều chất béo như thịt có mỡ và dầu ăn.
Tránh các loại thực phẩm có hương vị không quen thuộc (chưa từng ăn qua) và thực phẩm các loại hải sản như cá, cua, tôm …
Lưu ý: Một số trẻ có thể cảm thấy không thoải mái khi uống sữa bò, do đó mẹ không nên ép con sử dụng loại sữa này nếu thấy bé có biểu hiện từ chối tiếp nhận nhé.