Vàng da, lác sữa, mụn sữa, rôm sảy, ban đỏ, hăm tã,… là những vấn đề về da xuất hiện khá phổ biến ở trẻ sơ sinh. Tuy nhiên, nếu mẹ không biết cách xử lý thì có thể để lại hậu quả lâu dài đến sức khỏe và thẩm mỹ của trẻ.
Vàng da
Vàng da sinh lí xảy ra hầu hết ở các trẻ sơ sinh, thường xuất hiện vào ngày thứ hai sau sinh. Nguyên nhân là do chất biliburin được bài tiết ở gan nhưng do gan của trẻ sơ sinh chưa hoàn thiện biliburin tích tụ lại dẫn đến hiện tượng vàng da ở trẻ. Bệnh vàng da ở trẻ sơ sinh có thể quan sát bằng mắt thường ở những nơi có đủ ánh sáng như cạnh cửa sổ, ngoài hành lang,…
Nếu trẻ vàng da ở cấp độ nhẹ, mẹ có thể chữa trị bằng cách cho trẻ tắm nắng vào buổi sáng từ 7 – 8 giờ, cởi hết đồ bé chỉ lấy nón hoặc khăn che đầu và mắt trẻ lại để không bị chói nắng. Ngoài ra, nếu muốn trẻ mau chóng đào thải biliburin, các chuyên gia khuyên mẹ nên cho trẻ bú thường xuyên.
Nếu tình trạng vàng da nặng và kéo dài hơn 3 tuần cần cho trẻ đi khám. Nếu chứng vàng da mất đi rồi lại tái phát thì chứng tỏ bé đang gặp trục trặc về gan, cần cho trẻ đi khám tại các phòng khám chuyên khoa nhi.
Mụn sữa
Mụn sữa là những hạt nhỏ li ti màu trắng đục, do sự ứ đọng của chất bã, hay gặp ở vùng trán, mũi, gò má. Một số trẻ có thể xuất hiện ở bắp tay, chúng sẽ tự mất sau vài tuần lễ. Do vậy cha mẹ không nên lo lắng, chỉ cần lưu ý khi tắm cho trẻ không nên kỳ mạnh vào những chỗ nổi mụn sữa.
Lác sữa
Lác sữa hay gặp ở trẻ dưới 6 tháng tuổi, thường xuất hiện ở hai bên má và mặt,… Bệnh lúc đầu là những mụn nhỏ sau đó trở thành những mụn nước li ti, đỏ, nứt da, rịn nước, đóng mày, róc vảy. Để phòng tránh bệnh này, mẹ nên rửa mặt, miệng cho bé sau mỗi lần cho bú. Ngoài ra, không để bé quờ tay lên mặt làm tổn thương và nhiễm trùng.
Rôm sảy
Rất nhiều trẻ sơ sinh hay bị rôm sảy, nhất là vào mùa nắng nóng. Rôm sảy hay nổi ở trán, cổ, lưng, ngực. Chúng là những hạt nhỏ, màu hồng, hơi cứng, đôi khi có nước. Rôm sảy là hiện tượng tuyến mồ hôi bị đè ép, bít kín lại làm mồ hôi không thoát ra được.
Với những bé bị rôm sảy, mẹ nên cho bé mặc đồ mỏng, nhẹ và dễ hút mồ hôi, tránh loại vải thô, cứng làm bé đau rát. Ngoài ra, nên cho bé chơi ở những nơi thoáng mát, tắm cho bé hằng ngày bằng sữa tắm trị rôm sảy, hoặc tắm bằng khổ qua, lá chè xanh.
Ban đỏ
Với một số trẻ, thỉnh thoảng hay nổi ban đỏ, từng mảng hột nhỏ gần giống như rôm sảy, nhưng hạt có thể to hơn, khối màu đỏ hơn và không mọng nước, cũng không xác định cụ thể nằm ở đâu trên cơ thể bé.
Do không biết nguyên nhân gây ra từ đâu nên chỉ cần mẹ tắm rửa sạch sẽ và không ủ bé quá nóng thì tình trạng này sẽ từ từ tuyên giảm. Ngoài ra mẹ có thể bôi kem mát da để ban đỏ nhanh chóng mất đi
Cha mẹ nên biết làn da trẻ vốn mềm mại và dễ bị dị ứng, nên điều quan trọng là biết cách chăm sóc, vệ sinh sạch sẽ cho trẻ. Nếu dấu hiệu bệnh ngoài da ở trẻ lâu ngày không hết hoặc bất thường, bạn nên đưa con đến gặp bác sĩ thay vì tự mua thuốc điều trị tại nhà.