Mọi bà mẹ có con nhỏ đều quan tâm và lo lắng cho giai đoạn ăn dặm của con yêu, đặc biệt với sự phổ biến của kiến thức thì chúng ta được biết có rất nhiều phương pháp ăn dặm, điều này càng làm cho các mẹ khó lựa chọn hơn.
Hiện nay, có 3 phương pháp ăn dặm được đề cập chủ yếu là: Ăn dặm kiểu truyền thống, ăn dặm kiểu tự chỉ huy và ăn dặm kiểu Nhật. Vậy chúng có ưu – nhược điểm gì? Làm sao để biết có phù hợp với con yêu hay không? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu cụ thể trong bài viết sau đây nhé!
Phương pháp ăn dặm kiểu truyền thống
Đặc điểm cơ bản:
- Bột và thức ăn(rau củ quả, thịt cá…) trộn lẫn vào với nhau
- Thức ăn nghiền nát hoặc xay nhuyễn
- Ở giai đoạn bắt đầu ăn, thường sử dụng nước hầm của xương, cá, thịt…để nấu chung
- Bé phải sử dụng hết lượng thức ăn dưới mọi hình thức ( ngồi, đi rong, chạy nhảy…)
- Lượng thức ăn nhiều ( 1 chén hoặc dĩa đầy)
Ưu điểm:
- Đây là phương pháp ăn dặm gần gũi và thường xuyên thấy trong cuộc sống, đặc biệt dễ nhận được sự chấp nhận hay hưởng ứng của những người lớn tuổi.
- Việc bắt đầu ăn với số lượng thức ăn nhiều giúp bé có thể trọng tốt, đồng thời hình thành thói quen ăn uống tích cực như ăn nhiều, ăn hết thức ăn chứ không bỏ lại…
Nhược điểm:
- Vì thức ăn trộn lẫn nên bé khó có thể nhận biết được vị riêng biệt của mỗi loại thực phẩm, đáng nói là việc nếu bé không may bị dị ứng thì cũng không phát hiện được nguyên nhân do thức ăn nào gây nên.
- Khi áp dụng phương pháp truyền thống, các mẹ thường quá chú trọng đến dưỡng chất và số lượng thức ăn phải đưa vào cơ thể bé.
- Việc bé bị ép ăn dài ngày sẽ dễ làm bé mất hết thú vui, sự chủ động trong ăn uống, dần dà dẫn đến biếng ăn.
- Ngoài việc dùng nước hầm từ đạm, bé còn sử dụng trực tiếp các thức ăn đạm (thịt, cá..) xay nhuyễn trong cùng một lần ăn, hệ tiêu hóa của trẻ không thể hấp thụ được số lượng đạm quá nhiều như thế, lâu ngày dễ khiến bé bị đi ngoài hay táo bón.
- Vì thức ăn luôn xay nhuyễn nên phản xạ nhai nuốt được hình thành khó khăn và cần nhiều thời gian hơn nếu chuyển qua giai đoạn ăn thô…
- Hình thức ăn dẫn dến các thói quen ăn uống không tốt như: vừa ăn vừa xem ipad, tivi, vừa ăn vừa chơi…
Phương pháp ăn dặm tự chỉ huy (BLW)
Đặc điểm cơ bản:
- Có thể nói đây là phương pháp yêu thích của các mẹ đất nước phương Tây, bởi hình thức ăn dặm này giúp bé hình thành tính tự chủ tự quyết, thoải mái thể hiện sở thích ăn uống của mình, ăn bao nhiêu hay muốn ăn gì cũng có thể tự quyết định.
- Thức ăn không xay nhuyễn hay trộn lẫn mà chỉ cần nấu chín, độ mềm vừa phải, sau đó cắt miếng vừa để trẻ tự cầm và ăn với số lượng tùy thích.
Ưu điểm:
- Việc tự quyết trong ăn uống khiến bé thích thú, hào hứng hơn
- Bắt đầu ăn dặm với thức ăn thô nên phản xạ nhai và nuốt của bé sẽ được hình thành sớm
- Các mẹ không cần tốn quá nhiều thời gian hay công sức để đầu tư vào việc chế biến món ăn cho con, có thể sử dụng chung thức ăn của cơm gia đình hằng ngày
- Thói quen ăn uống tự lập là tiền đề tốt cho các giai đoạn sau này.
Nhược điểm:
- Khi đề cập đến đặc điểm của phương pháp ăn dặm tự chỉ huy này, nhiều mẹ rất lo lắng việc bé dễ bị hóc khi dùng thức ăn thô, vì thế mẹ phải thật vững tin và bình tĩnh xử lý các tình huống hóc nghẹn xảy ra.
- Ở giai đoạn mới tập ăn, hệ tiêu hóa bé còn non nớt và cơ thể cũng cần tiếp nạp nhiều dưỡng chất, mà phương pháp này lại không quá chú trọng về chất lượng cũng như số lượng.
Phương pháp ăn dặm kiểu Nhật
Đặc điểm cơ bản:
- Không trộn lẫn nhiều loại thức ăn lại với nhau để tạo thành hỗn hợp
- Số lượng và độ thô của thức ăn vừa phải, gia giảm để phù hợp với từng giai đoạn phát triển của bé
- Hình thức ăn cố định, bé sẽ phải ngồi vào ghế ăn khi mẹ đút.
Ưu điểm:
- Ưu điểm được nhiều mẹ thích nhất ở phương pháp này chính là bé có thời gian để làm quen với mùi vị từng loại thức ăn, vì thế dễ dàng phát hiện được thực phẩm mà cơ thể bé bị dị ứng.
- Liều lượng, khẩu phần được lựa chọn kỹ, món ăn đa dạng, nhóm chất đầy đủ, được thay đổi thường xuyên nhằm phù hợp với từng giai đoạn phát triển của trẻ
- Phản xạ nhai và nuốt hình thành tốt
- Với phương pháp ăn dặm kiểu Nhật thì mẹ được nhàn hơn, chủ động thời gian trong việc chế biến thức ăn, nấu một lần mà có thể sử dụng nhiều lần và mùi vị hay chất lượng thức ăn vẫn được đảm bảo bằng hình thức bảo quản trữ đông.
Nhược điểm:
- Ở giai đoạn đầu, hình thức ăn dặm này có thể không giúp cân nặng bé tăng trọng vì số lượng ăn không nhiều như hình thức tuyền thống
- Dù được đảm bảo về chất lượng nhưng về độ thơm ngon tươi mới thì thức ăn trữ đông vẫn không thể sánh bằng thức ăn vừa chế biến ngay được.
Trên đây là những chia sẻ cụ thể và khá chi tiết về 3 phương pháp ăn dặm phổ biến nhất hiện nay, hy vọng các mẹ sẽ tìm ra được hình thức tiếp nạp dinh dưỡng phù hợp với con yêu của mình.